Ý nghĩa thực sự của Thập toàn võ công Thập toàn Võ công

Hoàng đế Càn Long khảo thưởng các tướng lĩnh (tranh Isidore Helman vẽ năm 1788)

Các chiến dịch của "Thập toàn võ công" hầu hết không phát xuất cùng tình huống, tính chất. Cái nhằm mục đích trấn áp dân biến, bình định bạo loạn (chiến dịch Đài Loan), cái chống xâm lược (xung đột với Nepal), nhưng cũng có cái dương oai diễu võ, phóng đại sự việc, tưởng được hóa ra mất (chiến dịch đánh Đại Việt). Đặc biệt các chiến dịch can thiệp quân sự ở ngoại quốc đều không đạt được mục đích, dù đã phóng đại sự hòa hoãn ngoại giao của đối phương như là một thắng lợi về quân sự. Toàn bộ những chiến dịch này đều tốn kém quá nhiều chi phí, ngốn mất 151 triệu lượng bạc[39], do phải vận chuyển quân lính, lương thực, hậu cần với số lượng lớn, đi xa. Các cuộc chiến còn làm thiệt mạng một số lượng lớn binh sĩ, thường dân. Bên cạnh đó, với thói xa hoa phung phí, Càn Long còn cho xây cất nhiều cung điện lớn lao, lộng lẫy, làm khánh kiệt quốc khố. Cộng thêm nạn tham nhũng mà đầu bảng là Hòa Thân, một sủng thần thân cận nhất của Càn Long, đã làm Thanh triều nhanh chóng qua thời kỳ cực thịnh của mình mà lao xuống dốc không phanh.